Doanh nghiệp nhà nước vẫn ham đầu tư “nóng”


Dự thảo đề án nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN của Bộ KH&ĐT đang được gấp rút hoàn thiện trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ. Qua lăng kính của Bộ, bức tranh toàn cảnh về khối doanh nghiệp này không khỏi khiến nhiều người giật mình.
“Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là hiệu quả sử dụng các nguồn lực do nhà nước đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng, phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, dự thảo đề án nêu rõ.

Đầu tư “quá nóng”

Chuyện doanh nghiệp nhà nước được “ưu ái” về tiếp cận nguồn lực nhưng hiệu quả sử dụng không cao lâu nay còn tranh cãi, nay được nêu tại dự thảo: so với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhà nước đang giữ nhiều nguồn lực hơn nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn.

Ví dụ như năm 2009, doanh nghiệp nhà nước chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3 đồng vốn.

“Xét về phương diện kinh tế thuần túy, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thấp so với các doanh nghiệp khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Theo kết quả tình hình thực hiện việc rà soát, điều chỉnh vốn kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong hai năm 2008 và 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn ham đầu tư và đầu tư “quá nóng”.

Năm 2008, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị bằng 24,8% tổng giá trị tài sản và 89,5% vốn điều lệ; năm 2011 tương ứng bằng khoảng 26% và 72%. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước bố trí kế hoạch vốn đầu tư cao gấp 1,5-3,1 lần vốn điều lệ.

Hay trong câu chuyện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ tới 1.445 dự án đầu tư với tổng số vốn bằng 12,7% kế hoạch ban đầu trong năm 2008, hay trên 31% số dự án bằng 10,72% tổng vốn kế hoạch năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ là do việc xây dựng kế hoạch và xét duyệt kế hoạch đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn hình thức, chưa chặt chẽ.

Theo Bộ này, nhiều dự án chưa đủ điều kiện đầu tư hoặc có khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư, không cấp bách vẫn được quyết định đầu tư, dẫn tới đầu tư dàn trải, kéo dài thời hạn hoàn thành...

Việc quy mô giá trị tài sản của tập đoàn, tổng công ty hiện nay đã rất lớn nhưng điều lệ của nhiều doanh nghiệp quy định thẩm quyền rộng về quyết định đầu tư cho hội đồng quản trị, tổng giám đốc và chỉ khống chế lĩnh vực “nhạy cảm” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư "điểm mặt" như một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng đầu tư “quá nóng” tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Với tỷ trọng lớn trong đầu tư công và liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, hiệu quả đầu tư còn thấp của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư công, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế”, Bộ khẳng định như vậy.

Hiệu quả kém lại nhiều rủi ro

Theo thống kê hàng năm, có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, dự thảo lưu ý, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Không ít doanh nghiệp nhà nước có mức lỗ đặc biệt cao như Tập đoàn Điện lực năm 2010 lỗ 8.500 tỷ đồng chưa kể lỗ lũy kế từ các năm trước. Kết quả kiểm toán năm 2009 cho thấy, Tổng công ty Bưu chính lỗ 1.026 tỷ đồng; Tổng công ty Lắp máy lỗ 103 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng lỗ 20 tỷ đồng (lũy kế là 121 tỷ đồng)…

Tổng kết trong 10 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ra rằng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 10%. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp này cũng luôn thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI.

Với các tập đoàn, tổng công ty nói riêng, dù hiệu quả hoạt động nói chung có cao hơn trung bình cả khối nhưng vẫn bộc lộ những yếu kém. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ có 13,1%, thấp hơn mức lãi suất vay thương mại trung bình cùng thời kỳ.

Đáng chú ý là phần lớn trong số các tập đoàn, tổng công ty không đạt mức tỷ suất lợi nhuận như trên do có tới 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 đơn vị là Tập đoàn Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính - Viễn thông và Công nghiệp cao su.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo các yêu cầu về lành mạnh và an toàn tài chính, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả, dự thảo cho hay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/1/2010, bình quân một doanh nghiệp Việt Nam có nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi tỷ lệ này với các doanh nghiệp nhà nước là 3,09 lần.

Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Quốc hội vào năm 2009 cũng cho thấy, có tới 30-40% tổng số đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng 3 lần (hệ số an toàn tài chính). Cá biệt có một số tổng công ty trong tình trạng nợ cao gấp hơn 10 lần so với định mức theo hệ số an toàn vốn mà đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, xây lắp.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1/11/2010 cho biết, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin) là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86 nghìn tỷ đồng, thì nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Dự thảo đề án cho rằng, thực trạng trên cùng với hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước thấp hơn nhiều so với lãi suất các khoản nợ phải trả sẽ giảm hiệu ứng tích cực của đòn bẩy tài chính và càng làm cho những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao dễ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán; tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế…


Theo Anh Quân
VnEconomy