Cạnh tranh viễn thông đang tập trung vào thị trường giới trẻ, học sinh, sinh viên. Ảnh: Hoàng Hà.
Mặc dù sản phẩm vẫn chưa được tung ra thị trường nhưng điện thoại tích hợp Facebook của Tập đoàn FPT đã gây sốt trên cộng đồng mạng. Chỉ cần gõ “điện thoại tích hợp Facebook” vào Google, người xem sẽ có hàng loạt các kết quả và đều nói về một loại điện thoại mới của FPT sẽ “trình làng” vào tháng 10 tới.
Hiện tại, một số máy đầu cuối khác cũng có thể vào được mạng xã hội nói trên nhưng đều là loại đắt tiền và còn phải thông qua các bước cài đặt. Dòng điện thoại tích hợp Facebook mà hãng công nghệ thông tin số 1 Việt Nam - FPT dự kiến chào bán sẽ là loại bình dân hơn, chạy trên nền Java và Android. Đây là dòng sản phẩm mà giới trẻ mong đợi khi giá cả được tiết lộ sẽ ở mức cực kỳ hợp lý.
Hải Thanh, sinh viên trường đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Hẩu hết bạn bè em đều dùng Facebook. Các thông tin về trạng thái của họ được cập nhật liên tục. Tiếc là, điện thoại của em không kết nối mạng xã hội này được. Sinh viên lại không đủ tiền để mua di động đắt tiền. Vì thế, nếu FPT ra loại giá rẻ, dùng mạng xã hội dễ thì đó là thứ đầu tiên mình muốn mua”.
Không chỉ có đơn vị phân phối sản phẩm đầu cuối, các hãng thông tin di động cũng đã “bắt kịp thời đại” với việc tung ra các dịch vụ có tính năng của mạng xã hội để hấp dẫn người dùng. Viettel là hãng đầu tiên trong số các mạng di động tung ra dịch vụ “gọi điện thoại kiểu Facebook” có tên chính thức Chat 1338, dành riêng cho những khách hàng trẻ.
Không giống với cách gọi thông thường, khi “gọi kiểu Facebook”, người dùng chỉ mất 500 đồng một phút, qua mã số riêng và có quy trình đăng nhập hoặc xuất khỏi hệ thống như vào mạng xã hội. Dịch vụ này cũng cho phép người dùng chặn các cuộc gọi không mong muốn, sửa thông tin cá nhân trên hệ thống (ở phần giới thiệu bản thân 30 giây)…
Đặc biệt, khi dùng dịch vụ này, khách hàng có thể gọi cho người khác mà không bị lộ số điện thoại cá nhân. Nguồn tin từ Viettel cho biết, chỉ vài ngày sau khi thử nghiệm dịch vụ, “gọi kiểu Facebook” đã có hàng chục nghìn khách hàng đăng ký sử dụng và dự kiến sẽ trở thành một sản phẩm “hot” trên thị trường dành cho giới trẻ.
Đại diện của Viettel còn cho biết, hãng này sẽ phát triển dịch vụ “gọi kiểu Facebook” thành một mạng xã hội trên di động, giúp những khách hàng trẻ có thể kết nối một cách dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi qua giọng nói chứ không phải bằng text.
Bên cạnh việc tích hợp hoặc đưa tính năng của mạng xã hội vào sản phẩm, các hãng viễn thông còn dùng Facebook như một phần quà đặc biệt dành cho khách hàng dùng dịch vụ. Hiện tại, nếu sử dụng điện thoại BlackBerry mà không dùng gói cước chuyên biệt, người sử dụng sẽ không vào được Facebook. Tuy nhiên, nếu đăng ký dùng gói dịch vụ BlackBerry của Viettel hoặc gói cước mà cả VinaPhone, MobiFone thử nghiệm, người dùng có thể dễ dàng truy cập Facebook mà không gặp cản trở nào.
Nguồn tin từ các hãng viễn thông Viettel, VinaPhone, MobiFone không giải thích lý do vì sao dùng các gói cước khác lại không truy cập được Facebook nhưng nói rằng, đó là một tính năng có trong gói dịch vụ của BlackBerry.
Ngoài 3 mạng di động đại gia, hãng viễn thông Beeline cũng cung cấp ra thị trường gói cước Facebook SMS cho phép cập nhật thông tin, trạng thái, nhắn tin hay viết lên tường của bạn bè…, qua tin nhắn SMS mà không cần đến máy tính hay Internet. Giá mỗi tin nhắn là 300 đồng.
Bên cạnh các công ty dùng Facebook để kinh doanh, nhiều hãng lại sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh như: Công ty gạch cổ Bát Tràng, Kiểm toán VACO, Công ty Misa, Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản An Phát, Liên doanh Fuji Alpha, Công ty Vimedimex, Vạn An, Công ty sản xuất cơm kẹp Vietmac, Công ty địa ốc Vina… Nhiều công ty có khách hàng mục tiêu là giới trẻ, dân văn phòng, kinh doanh truyền thông, quảng cáo, hay thời trang, nội thất đã lựa chọn Facebook để “gửi gắm” thông tin, qua đó tìm kiếm khách hàng mới.
Chị Lê Bích Phượng, Tổng giám đốc Vietmac chia sẻ, PR qua Facebook có nhiều thuận lợi như nhắm đúng khách hàng mục tiêu (đối tượng thường xuyên vào Facebook phần lớn là giới trẻ và dân văn phòng), thông tin về sản phẩm được phản hồi nhanh chóng, giúp công ty có thể tiếp cận và cập nhật lập tức…
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có những mặt trái như phản hồi xấu cũng xuất hiện rất nhanh, đòi hỏi phản ứng kịp thời để không ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Đôi khi một ý kiến phản hồi xấu dù chưa được kiểm chứng cũng có thể lan rất nhanh mà không có biện pháp xử lý sẽ đem tới những tác hại không nhỏ.
Hồng Anh - Thanh Hoa