(Dân trí) – Trở về sau chuyến thị sát mô hình hoạt động giải J-League (Nhật Bản), lãnh đạo VFF và “bầu” Kiên đã ngồi lại với nhau để thống nhất phương hướng thành lập VPF. Về cơ bản, VPF vẫn chịu sự quản lý trực tiếp của VFF, VPF sẽ ra mắt vào tháng 12… >> “Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp sẽ đẩy lùi tiêu cực” >> VFF chấp nhận cải tổ theo đề xuất của các ông “bầu”
Với tư cách Trưởng đoàn bóng đá Việt Nam tham dự trận giao hữu với Nhật Bản, Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Phạm Ngọc Viễn, người mở đường cho mô hình bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam được lãnh đạo VFF giao nhiệm vụ trao đổi với BTC giải J-League, từ đó tìm ra hướng đi cho đề án thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Vietnam Professional Football), viết tắt là VPF.
Về cơ bản VPF vẫn chịu sự quản lý của lãnh đạo VFF – Ảnh: Quang Thắng
Chiều qua (10/10), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ và Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn đã có cuộc làm việc với “bầu” Kiên (Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên) để thảo luận các vấn đề liên quan, trước khi thống nhất phương hướng thành lập VPF để kịp tổ chức giải V-League và hạng Nhất 2012.
“Bầu” Kiên và lãnh đạo VFF đều đồng thuận với mô hình thành lập VPF do “bầu” Kiên, cùng 5 doanh nghiệp khác đưa ra tại cuộc gặp mặt hôm 29/9. VPF được xây dựng để điều hành tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, thành lập dựa trên các thành viên của giải V-League 2012 và Liên đoàn bóng đá Việt Nam với vốn điều lệ hơn 22 tỷ. Trong đó, 14 CLB V-League góp 14 tỷ (mỗi CLB 1 tỷ) chiếm 64,4% còn VFF góp 7,8 tỷ chiếm 35,6% vốn điều lệ.
Cơ quan quyền lực cao nhất của Công ty VPF là Đại hội cổ đông. Các cổ đông bầu HĐQT gồm từ 9 – 11 thành viên, VPF hoạt động theo đúng luật doanh nghiệp.
Điểm khác biệt lớn nhất là việc các bên cùng thống nhất VPF vẫn là một doanh nghiệp thành viên của VFF, đặt sự giám sát và quản lý của VFF. Điểm mới đáng chú ý tiếp theo là sẽ có thêm 10/14 CLB hạng Nhất (các CLB đã chuyển đổi thành doanh nghiệp) được tham gia góp vốn vào VPF theo đề nghị của Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn. Do đó, số vốn điều lệ sẽ được tăng cao hơn con số 22 tỷ như dự kiến ban đầu. Các bên liên quan phải cùng nhau phân chia lại phần góp vốn để đảm bảo đúng tỷ lệ góp vốn 35,6% thuộc về VFF, 64,4% thuộc về các CLB.
Mong muốn làm bóng đá “sạch” của các doanh nghiệp sắp thành hiện thực – Ảnh: Quang Thắng
Sau khi VPF ra đời, các cổ đông tiến hành bầu ra Hội đồng quản trị, trước khi bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc điều hành là người nước ngoài. Theo lời Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn: “Về cơ bản, các bên đã thống nhất được chủ trương việc thành lập VPF. VPF sẽ là một thành viên của VFF, chịu sự quản lý của VFF, VPF sẽ đứng ra thay mặt VFF chịu trách nhiệm tổ chức các giải đấu. VFF sẽ không can thiệp sâu vào công tác nhân sự mà sẽ giao toàn quyền cho các doanh nghiệp, nhưng về nguyên tắc VFF vẫn đóng vai trò quản lý quá trình hoạt động của VPF…”.
Trong buổi làm việc mới đây, Tổng cục TDTT, Bộ VH-TT-DL đều thống nhất và ủng hộ việc thành lập công ty VPF để từng bước đưa bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp. Vì vậy đề án này chắc chắn sớm được cơ quan chủ quản thông qua, sau khi VFF và các doanh nghiệp thống nhất phương hướng xây dựng và mô hình hoạt động.
Các thủ tục thành lập VPF đã được thống nhất, trong thời gian sắp tới bộ phận chuyên môn VFF và đại diện các CLB bắt đầu xúc tiến kế hoạch chuẩn bị để trình bày tại Đại hội thường niên VFF được tổ chức vào cuối tháng 10. Theo lời Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn, nếu Đại hội thường niên đồng ý và được Bộ VH-TT-DL thông qua, công ty VPF sẽ chính thức ra mắt vào tháng 12.
Quang Vinh
Theo: Báo Dân Trí
Theo: Báo Dân Trí