Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, thách thức từ thực tiễn khó khăn của quá trình hội nhập kinh tế đã khẳng định, giai đoạn phát triển dễ dàng đã qua, nếu không có những thay đổi, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ khó đạt được kỳ tích như giai đoạn vừa qua.
Doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần vươn tới các chuẩn mực toàn cầu, để có thể vượt qua được chính mình, đặt chân lên các nấc thang mới.
Thưa ông, phát biểu trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên (ngày 13/10/2005), nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã đặt mục tiêu có được 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010. Chúng ta đã đạt mục tiêu này một cách ngoạn mục. Tới đây, có lẽ cũng cần một mục tiêu để cộng đồng doanh nhân hướng tới, như sẽ có tên trong các bảng xếp hạng của Forbes chẳng hạn?
Trước hết, phải hiểu là giới doanh nhân có mặt trong các bảng xếp hạng của Forbes là đại diện cho sức mạnh về quản trị và giàu có về tài sản. Trong điều kiện của nền kinh tế Việt Nam, mục tiêu này có thể chưa phù hợp.
Với đặc điểm của nền kinh tế đang chuyển đổi, hội nhập sâu rộng, nền kinh tế không chỉ cần những hạt nhân đầu tàu, mà cần sức mạnh của một đội ngũ doanh nghiệp quy mô vừa, nhưng có năng lực cạnh tranh cao, hoạt động linh hoạt và hiệu quả, để dần khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, tiến dần đến các chuẩn mực toàn cầu.
Điều đó có nghĩa là, cần tái cấu trúc 500.000 doanh nghiệp hiện có để tạo nên sức mạnh mới, sức mạnh của năng suất, chất lượng, thay vì sức mạnh của số lượng. Và đây có thể là hướng đi mà các doanh nhân Việt Nam cân nhắc trong chiến lược phát triển sắp tới, định vị lại mình sau giai đoạn phát triển rầm rộ và khá dễ dàng để tận dụng các cơ hội của thị trường.
Nhưng năm 2011 được nhìn nhận là một năm khó khăn, thậm chí là một năm sống còn với nhiều doanh nghiệp. Đây có thể là thời điểm để các doanh nhân tìm cách vượt khó hơn là…
Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ở ngã ba, hoặc là tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển mạnh mẽ hơn, hoặc dậm chân tại chỗ, có nghĩa là sẽ gục ngã trước sức cạnh tranh của thị trường. Yêu cầu này đòi hỏi bản lĩnh của mỗi doanh nhân trong chèo lái doanh nghiệp. Thị trường hội nhập đầy đủ không chấp nhận bất cứ lý do nào để trì hoãn. Hơn thế, trong lúc khó khăn này, doanh nhân có thể nhìn thấy rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là, những năm qua, mặc dù có khó khăn, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được đánh giá khá thuận lợi, nhiều cơ hội. Chính vì vậy, tốc độ thành lập doanh nghiệp của Việt Nam rất lớn, đội ngũ doanh nhân phát triển nhanh chóng để tận dụng triệt để sự rộng mở của cơ hội. Hơn thế, số lượng doanh nghiệp bị thải loại trong những năm đầu hoạt động do tính khắc nghiệt của cạnh tranh khá ít so với tỷ lệ trung bình của thế giới.
Nhưng có lẽ, chính môi trường cạnh tranh chưa lớn khiến nhiều doanh nghiệp dù tồn tại được, nhưng năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao, thậm chí yếu tố đầu cơ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh khá lớn. Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh chung của nền kinh tế.
Khi nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu với những thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn, chắc chắn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sàng lọc tự thân. Cộng với đó, môi trường cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập đầy đủ sẽ nghiệt ngã hơn.
Có thể nói, những thách thức mà các doanh nhân Việt Nam đang đối mặt khác rất nhiều những khó khăn mà họ đã vượt qua?
Doanh nghiệp Việt Nam rất có kinh nghiệm vượt khó nhờ sức sáng tạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, trước đây, với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam chưa hội nhập đầy đủ, nên những khó khăn hay sự vượt qua gần như vẫn mang tính thời điểm. Có thể sau mỗi lần vượt bão, cơ hội của thị trường đang phát triển lại kéo doanh nghiệp đứng dậy.
Còn hiện tại, khi thị trường Việt Nam đã hội nhập với thế giới, luật chơi đã được áp dụng chung theo chuẩn mực toàn cầu, nếu không thay đổi, không tái cơ cấu, dù có tồn tại qua cơn bão này, doanh nghiệp cũng khó bước tiếp. Chính vì vậy, cùng với sức sáng tạo, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần vươn tới các chuẩn mực toàn cầu, để có thể vượt qua được chính mình, đặt chân lên các nấc thang mới.
Theo Khánh An