Điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam


Năm 2015, mọi hàng rào thuế quan giữa các nước ASEAN sẽ được xoá bỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt hơn với các doanh nghiệp lắp ráp trong khu vực.
Lối thoát tốt nhất đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra, đó là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này, nhưng hiện tại kể cả sản lượng cũng như chất lượng chưa cao, đặc biệt quy mô phát triển còn manh mún. Theo Bộ Công thương, công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn phụ thuộc đến 80% vào nguyên liệu nhập khẩu và tỷ lệ nội địa hoá linh kiện của Việt Nam mới chỉ bằng 1 nửa so với các nước trong khu vực.

Trong 15 năm, hãng Honda tại Việt Nam đã đóng góp 20.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngay trong sản phẩm này, tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp trong nước mới chỉ dừng ở khoảng 50% và con số này càng thấp hơn đối với những ở dòng sản phẩm cao cấp.

Ông Koji Onishi, Tổng Giám đốc Honda tại Việt Nam cho biết: “Để đáp ứng được yêu chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Honda toàn cầu, chúng tôi cũng đặt ra những tiêu chuẩn phụ tùng cho các nhà cung cấp. Khả năng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của các nhà cung cấp trong nước mà để đạt được thì cần sự đầu tư và hỗ trợ về cả vốn và chính sách ưu tiên phát triển”.         

Việc nâng mức nội địa hóa sản phẩm không những giúp cho các nhà sản xuất hạ giá thành mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia theo chuỗi. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ đang là điều kiện tốt cho nhiều đơn vị sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh vốn và công nghệ của các doanh nghiệp trong nước chưa cao.

Ông Phạm Hữu Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kim khí Thăng Long: “Trong những ngày đầu tiên, hãng đã cử cán bộ kỹ thuật đến giúp chúng tôi tổ chức sản xuất và tạo ra những sản phẩm đạt yêu cầu”.

Tuy nhiên, việc tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở các hạng mục đơn giản với giá trị chưa cao. Như ở ngành chế tạo ôtô những sản phẩm mang thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ dừng ở con số 5 - 10%.

Ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam: “Công nghiệp hỗ trợ cũng như các ngành khác, phải có lãi thì các doanh nghiệp mới đầu tư vào, nếu không đương nhiên họ sẽ không đầu tư. Để công nghiệp hỗ trợ phát triển nên có chế độ thu hút đầu tư từ nước ngoài. Hiện quỹ đầu tư Jica, Jbic có dành 1 khoảng khoảng 100 triệu USD cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, các bạn nên tận dụng những khoản đầu tư này”. 

Mới đây, Thủ tướng đã quyết định ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong ngành ngành dệt may, da giầy, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo và các sản phẩm hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao. Đồng thời thành lập các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung, đây được coi là cơ sở để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thêm điều kiện phát triển. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công thương: “Chính phủ cần có những hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp làm hỗ trợ như ưu đãi vay vốn và các doanh nghiệp cũng nên tìm cách để liên kết với các hàng nước ngoài”.       

Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 4 tại Hà Nội được đánh giá là điều kiện tốt để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận gần hơn với các đối tác nước ngoài. Và ngay cả Bộ Công thương cũng coi đây là cơ hội để hiểu và chỉ đạo sát thực hơn cho lĩnh vực công nghiêp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả đến lần thứ 4, sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vẫn dừng ở mức độ khiêm tốn với nhiều sản phẩm còn tương đối nghèo nàn.
 
Theo Đặng Tú
VTV.vn

Doanh nghiệp Việt đua nhau tận dụng Facebook

Sự hấp dẫn của Facebook đối với giới trẻ khiến các doanh nghiệp Việt đua nhau tích hợp tính năng của mạng xã hội vào sản phẩm, sử dụng để quảng bá thông tin, lôi kéo khách hàng.

Cạnh tranh viễn thông đang tập trung vào thị trường giới trẻ, học sinh, sinh viên. Ảnh: Hoàng Hà.

Mặc dù sản phẩm vẫn chưa được tung ra thị trường nhưng điện thoại tích hợp Facebook của Tập đoàn FPT đã gây sốt trên cộng đồng mạng. Chỉ cần gõ “điện thoại tích hợp Facebook” vào Google, người xem sẽ có hàng loạt các kết quả và đều nói về một loại điện thoại mới của FPT sẽ “trình làng” vào tháng 10 tới.

Hiện tại, một số máy đầu cuối khác cũng có thể vào được mạng xã hội nói trên nhưng đều là loại đắt tiền và còn phải thông qua các bước cài đặt. Dòng điện thoại tích hợp Facebook mà hãng công nghệ thông tin số 1 Việt Nam - FPT dự kiến chào bán sẽ là loại bình dân hơn, chạy trên nền Java và Android. Đây là dòng sản phẩm mà giới trẻ mong đợi khi giá cả được tiết lộ sẽ ở mức cực kỳ hợp lý.

Hải Thanh, sinh viên trường đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Hẩu hết bạn bè em đều dùng Facebook. Các thông tin về trạng thái của họ được cập nhật liên tục. Tiếc là, điện thoại của em không kết nối mạng xã hội này được. Sinh viên lại không đủ tiền để mua di động đắt tiền. Vì thế, nếu FPT ra loại giá rẻ, dùng mạng xã hội dễ thì đó là thứ đầu tiên mình muốn mua”.

Không chỉ có đơn vị phân phối sản phẩm đầu cuối, các hãng thông tin di động cũng đã “bắt kịp thời đại” với việc tung ra các dịch vụ có tính năng của mạng xã hội để hấp dẫn người dùng. Viettel là hãng đầu tiên trong số các mạng di động tung ra dịch vụ “gọi điện thoại kiểu Facebook” có tên chính thức Chat 1338, dành riêng cho những khách hàng trẻ.

Không giống với cách gọi thông thường, khi “gọi kiểu Facebook”, người dùng chỉ mất 500 đồng một phút, qua mã số riêng và có quy trình đăng nhập hoặc xuất khỏi hệ thống như vào mạng xã hội. Dịch vụ này cũng cho phép người dùng chặn các cuộc gọi không mong muốn, sửa thông tin cá nhân trên hệ thống (ở phần giới thiệu bản thân 30 giây)…

Đặc biệt, khi dùng dịch vụ này, khách hàng có thể gọi cho người khác mà không bị lộ số điện thoại cá nhân. Nguồn tin từ Viettel cho biết, chỉ vài ngày sau khi thử nghiệm dịch vụ, “gọi kiểu Facebook” đã có hàng chục nghìn khách hàng đăng ký sử dụng và dự kiến sẽ trở thành một sản phẩm “hot” trên thị trường dành cho giới trẻ.

Đại diện của Viettel còn cho biết, hãng này sẽ phát triển dịch vụ “gọi kiểu Facebook” thành một mạng xã hội trên di động, giúp những khách hàng trẻ có thể kết nối một cách dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi qua giọng nói chứ không phải bằng text.

Bên cạnh việc tích hợp hoặc đưa tính năng của mạng xã hội vào sản phẩm, các hãng viễn thông còn dùng Facebook như một phần quà đặc biệt dành cho khách hàng dùng dịch vụ. Hiện tại, nếu sử dụng điện thoại BlackBerry mà không dùng gói cước chuyên biệt, người sử dụng sẽ không vào được Facebook. Tuy nhiên, nếu đăng ký dùng gói dịch vụ BlackBerry của Viettel hoặc gói cước mà cả VinaPhone, MobiFone thử nghiệm, người dùng có thể dễ dàng truy cập Facebook mà không gặp cản trở nào.

Nguồn tin từ các hãng viễn thông Viettel, VinaPhone, MobiFone không giải thích lý do vì sao dùng các gói cước khác lại không truy cập được Facebook nhưng nói rằng, đó là một tính năng có trong gói dịch vụ của BlackBerry.

Ngoài 3 mạng di động đại gia, hãng viễn thông Beeline cũng cung cấp ra thị trường gói cước Facebook SMS cho phép cập nhật thông tin, trạng thái, nhắn tin hay viết lên tường của bạn bè…, qua tin nhắn SMS mà không cần đến máy tính hay Internet. Giá mỗi tin nhắn là 300 đồng.

Bên cạnh các công ty dùng Facebook để kinh doanh, nhiều hãng lại sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh như: Công ty gạch cổ Bát Tràng, Kiểm toán VACO, Công ty Misa, Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản An Phát, Liên doanh Fuji Alpha, Công ty Vimedimex, Vạn An, Công ty sản xuất cơm kẹp Vietmac, Công ty địa ốc Vina… Nhiều công ty có khách hàng mục tiêu là giới trẻ, dân văn phòng, kinh doanh truyền thông, quảng cáo, hay thời trang, nội thất đã lựa chọn Facebook để “gửi gắm” thông tin, qua đó tìm kiếm khách hàng mới.

Chị Lê Bích Phượng, Tổng giám đốc Vietmac chia sẻ, PR qua Facebook có nhiều thuận lợi như nhắm đúng khách hàng mục tiêu (đối tượng thường xuyên vào Facebook phần lớn là giới trẻ và dân văn phòng), thông tin về sản phẩm được phản hồi nhanh chóng, giúp công ty có thể tiếp cận và cập nhật lập tức…

Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có những mặt trái như phản hồi xấu cũng xuất hiện rất nhanh, đòi hỏi phản ứng kịp thời để không ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty. Đôi khi một ý kiến phản hồi xấu dù chưa được kiểm chứng cũng có thể lan rất nhanh mà không có biện pháp xử lý sẽ đem tới những tác hại không nhỏ.

Hồng Anh - Thanh Hoa

Gia hạn thuế cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất


  Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động hoặc hợp tác xã có thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông sản … sẽ được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 trong thời gian 1 năm, kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế.

Đó là nội dung chính tại Quyết định số 54/2011/QĐ-TTg, về việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) năm 2011 của DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2011 trong thời gian 1 năm, kể từ ngày đến thời hạn nộp thuế của doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, hợp tác xã có thu nhập từ hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử và từ hoạt động thi công, xây dựng, lắp đặt công trình hạ tầng kinh tế xã hội.

Trong đó, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là doanh nghiệp có tổng số lao động sử dụng thường xuyên bình quân năm 2011 trên 300 người, không kể lao động có hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng. Trường hợp doanh nghiệp tổ chức theo mô hình công ty mẹ - công ty con thì số lao động của công ty mẹ không bao gồm số lao động của công ty con.

Hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử được xác định theo quy định tại Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo quyết định của Chính phủ.

Cùng với đó là hoạt động thi công, xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm thi công, xây dựng, lắp đặt: nhà máy nước, nhà máy điện, công trình truyền tải, phân phối điện; hệ thống cấp thoát nước; đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga, bến xe; xây dựng trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa thể thao; hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn; công trình thông tin liên lạc, công trình thủy lợi phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp.

Việc gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật và nộp thuế theo kê khai.

Cũng theo Quyết định này, thời gian gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có 4 mốc thời gian gồm: Thời gian gia hạn nộp thuế đối với số thuế tính tạm nộp của quý I/2011 chậm nhất đến ngày 30/4/2012, quý II chậm nhất đến 30/7/2012, quý III chậm nhất đến 30/10/2012, quý IV và số thuế phải nộp theo quyết toán năm 2011 không quá ngày 31/3/2013.

Đối với đơn vị áp dụng kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp không theo năm dương lịch thì thời gian gia hạn nộp thuế chỉ áp dụng đối với số thuế tạm nộp của các quý thuộc năm 2011.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 30/11/2011.

Hỗ trợ kinh doanh Phan mem ke toan,  Ke toan doanh nghiep, Thanh lap cong ty, Dich vu ke toan thue

Doanh nghiệp nhà nước vẫn ham đầu tư “nóng”


Dự thảo đề án nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN của Bộ KH&ĐT đang được gấp rút hoàn thiện trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ. Qua lăng kính của Bộ, bức tranh toàn cảnh về khối doanh nghiệp này không khỏi khiến nhiều người giật mình.
“Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là hiệu quả sử dụng các nguồn lực do nhà nước đầu tư của doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế, ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng, phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, dự thảo đề án nêu rõ.

Đầu tư “quá nóng”

Chuyện doanh nghiệp nhà nước được “ưu ái” về tiếp cận nguồn lực nhưng hiệu quả sử dụng không cao lâu nay còn tranh cãi, nay được nêu tại dự thảo: so với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp nhà nước đang giữ nhiều nguồn lực hơn nhưng giá trị sản phẩm đầu ra lại thấp hơn.

Ví dụ như năm 2009, doanh nghiệp nhà nước chiếm 37,2% nguồn vốn kinh doanh, 44,8% giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 25% doanh thu, 37% lợi nhuận trước thuế và 20% giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2009, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng 2,2 đồng vốn để tạo ra 1 đồng doanh thu, trong khi doanh nghiệp ngoài quốc doanh chỉ cần 1,2 đồng vốn và doanh nghiệp FDI là 1,3 đồng vốn.

“Xét về phương diện kinh tế thuần túy, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thấp so với các doanh nghiệp khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Theo kết quả tình hình thực hiện việc rà soát, điều chỉnh vốn kế hoạch của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong hai năm 2008 và 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn ham đầu tư và đầu tư “quá nóng”.

Năm 2008, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị bằng 24,8% tổng giá trị tài sản và 89,5% vốn điều lệ; năm 2011 tương ứng bằng khoảng 26% và 72%. Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước bố trí kế hoạch vốn đầu tư cao gấp 1,5-3,1 lần vốn điều lệ.

Hay trong câu chuyện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ tới 1.445 dự án đầu tư với tổng số vốn bằng 12,7% kế hoạch ban đầu trong năm 2008, hay trên 31% số dự án bằng 10,72% tổng vốn kế hoạch năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ là do việc xây dựng kế hoạch và xét duyệt kế hoạch đầu tư của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn hình thức, chưa chặt chẽ.

Theo Bộ này, nhiều dự án chưa đủ điều kiện đầu tư hoặc có khó khăn trong việc tiếp tục đầu tư, không cấp bách vẫn được quyết định đầu tư, dẫn tới đầu tư dàn trải, kéo dài thời hạn hoàn thành...

Việc quy mô giá trị tài sản của tập đoàn, tổng công ty hiện nay đã rất lớn nhưng điều lệ của nhiều doanh nghiệp quy định thẩm quyền rộng về quyết định đầu tư cho hội đồng quản trị, tổng giám đốc và chỉ khống chế lĩnh vực “nhạy cảm” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư "điểm mặt" như một nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng đầu tư “quá nóng” tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Với tỷ trọng lớn trong đầu tư công và liên tục tăng mạnh trong thời gian qua, hiệu quả đầu tư còn thấp của doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả đầu tư công, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế”, Bộ khẳng định như vậy.

Hiệu quả kém lại nhiều rủi ro

Theo thống kê hàng năm, có khoảng 12% doanh nghiệp nhà nước lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi khu vực doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, dự thảo lưu ý, mức lỗ bình quân của một doanh nghiệp nhà nước cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Không ít doanh nghiệp nhà nước có mức lỗ đặc biệt cao như Tập đoàn Điện lực năm 2010 lỗ 8.500 tỷ đồng chưa kể lỗ lũy kế từ các năm trước. Kết quả kiểm toán năm 2009 cho thấy, Tổng công ty Bưu chính lỗ 1.026 tỷ đồng; Tổng công ty Lắp máy lỗ 103 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng lỗ 20 tỷ đồng (lũy kế là 121 tỷ đồng)…

Tổng kết trong 10 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút ra rằng, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng nguồn vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa năm nào vượt quá 6%, trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường xuyên duy trì ở mức trên dưới 10%. Tương tự, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của khối doanh nghiệp này cũng luôn thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp FDI.

Với các tập đoàn, tổng công ty nói riêng, dù hiệu quả hoạt động nói chung có cao hơn trung bình cả khối nhưng vẫn bộc lộ những yếu kém. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, năm 2010 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ có 13,1%, thấp hơn mức lãi suất vay thương mại trung bình cùng thời kỳ.

Đáng chú ý là phần lớn trong số các tập đoàn, tổng công ty không đạt mức tỷ suất lợi nhuận như trên do có tới 80% tổng số lợi nhuận trước thuế đến từ 4 đơn vị là Tập đoàn Dầu khí, Viễn thông quân đội, Bưu chính - Viễn thông và Công nghiệp cao su.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa đảm bảo các yêu cầu về lành mạnh và an toàn tài chính, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro và đổ vỡ khi kinh doanh không hiệu quả, dự thảo cho hay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 1/1/2010, bình quân một doanh nghiệp Việt Nam có nợ phải trả cao gấp 2,1 lần vốn chủ sở hữu, trong khi tỷ lệ này với các doanh nghiệp nhà nước là 3,09 lần.

Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” của Quốc hội vào năm 2009 cũng cho thấy, có tới 30-40% tổng số đơn vị có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt ngưỡng 3 lần (hệ số an toàn tài chính). Cá biệt có một số tổng công ty trong tình trạng nợ cao gấp hơn 10 lần so với định mức theo hệ số an toàn vốn mà đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng, xây lắp.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội ngày 1/11/2010 cho biết, nợ của 81/91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước (chưa tính nợ của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin) là 813.435 tỷ đồng. Nếu tính cả nợ của Vinashin, theo báo cáo của Bộ Tài chính là 86 nghìn tỷ đồng, thì nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước đến cuối năm 2009 (không kể 9 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa có số liệu) đã lên tới 54,2% GDP năm 2009.

Dự thảo đề án cho rằng, thực trạng trên cùng với hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước thấp hơn nhiều so với lãi suất các khoản nợ phải trả sẽ giảm hiệu ứng tích cực của đòn bẩy tài chính và càng làm cho những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao dễ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán; tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế…


Theo Anh Quân
VnEconomy

Các ông bầu đòi lập Công ty bóng đá Việt Nam


Cho rằng V-League mỗi năm tiêu tốn khoảng 1000 tỷ đồng mà vẫn yếu kém, các ông bầu không tiến hành bỏ phiếu bầu Trưởng giải như kế hoạch, mà đòi VFF thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. > Bầu Đức sẵn sàng bỏ V-League / 28 ông bầu tự quyết định Trưởng giải
Bầu Kiên phát biểu tại cuộc gặp.

Một ngày trước khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF triệu tập cuộc gặp với ông chủ của 28 đội bóng thi đấu ở giải hạng Nhất và V-League 2012, sáu ông bầu từng có ý định thành lập Super Liga đã nhóm họp, chung tay thảo đề án thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF – Viet Nam Professional Football). Các ông Võ Quốc Thắng (Đồng Tâm Long An), Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội ACB), Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Hoàng Mạnh Trường (Ninh Bình), Nguyễn Văn Đệ (Thanh Hóa), Lê Tiến Anh (Khánh Hòa) cho rằng, VFF cùng lúc phải tổ chức nhiều giải đấu vì thế để V-League xảy ra nhiều bất cập. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ đảm nhiệm việc tổ chức, điều hành V-League.

Theo kế hoạch, 10 giờ sáng 29/9, 28 CLB hạng Nhất, V-League tự chọn ra Trưởng ban tổ chức mới. Các ông bầu, vì bảo lưu quan điểm thành lập Công ty VPF, đã liên tục đăng đàn phản đối khiến kế hoạch của VFF phá sản. Thay vì tiến hành bầu Trưởng giải mới, nội dung thảo luận được hướng sang việc thành lập công ty VPF.

“Chúng tôi đến đây không phải để vào vai những ông nghị gật, giơ tay biểu quyết, hô khẩu hiệu rồi về. Chúng tôi không muốn nghe VFF nói những điều đã quá cũ hay những thứ mà ai cũng nhìn thấy. Điều cần thiết là sự thay đổi. Đề án thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, theo tôi, là bước đột phá đem đến sự lột xác cho bóng đá Việt Nam”. Ông Đoàn Nguyên Đức của Hoàng Anh Gia Lai đánh giá về đề án thành lập VPF mà ông và 5 người đồng cấp mới khởi thảo.

“Việc thành lập VPF hay điều hành nó không có gì khó. Nếu khó quá thì chậm V-League lại một năm, đâu có sao? Bản thân tôi quản lý rất nhiều công ty con nên chuyện quản lý ở VFF không có gì khó. Vấn đề là VFF có dám nhìn thẳng, nhìn thật vào sự việc không. Tôi làm bóng đá đã cả chục năm. Vì thế không có chuyện tôi bỏ bóng đá. Nhưng nếu V-League không có cái mới, tôi sẵn sàng bỏ ngay ngày mai”. Ông Đức tỏ thái độ khi đại diện VFF nêu những trở ngại về việc thành lập VPF.

“Chúng ta ngồi đây không phải chỉ để chọn ra một cái ghế Trưởng giải là xong. Vấn đề là xây dựng cái ghế đó như thế nào, quyền hạn, trách nhiệm ra sao rồi mới tìm người ngồi lên đó”. Ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch đội Hà Nội ACB lý giải việc không chấp nhận nội dung cuộc gặp với VFF của 28 ông chủ bóng đá chỉ là bầu ra vị Trưởng giải mới.

Theo tính toán của ông Kiên, V-League đang tốn khoảng 1 nghìn tỷ đồng một năm, nhưng chất lượng quá kém, là sự lãng phí lớn. Vì thế, ông Kiên cho rằng, VFF buộc phải thay đổi cách điều hành, quản lý giải đấu này.

“Nếu VFF không lo được thủ tục thành lập VPF, tôi xin đảm bảo, công việc này chỉ một tháng là xong. Nếu VFF thấy khó, các ông bầu sẵn sàng chung tay để xúc tiến việc ra đời VPF. Tôi tin sẽ không có Bộ nào phản đối việc thành lập công ty VPF vì mục đích của nó là vì cái chung, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tôi dám chắc VPF ra đời sẽ làm ăn có lãi. Các CLB sẽ được chia lợi nhuận. Khi ấy, thi nhập của trọng tài, giám sát chắc chắn sẽ tăng lên, khoảng từ 30 đến 50 triệu đồng mỗi tháng”.

Chưa đề cập tới vấn đề Trưởng giải mới, trong khi quan điểm thành lập VPF của các ông bầu chưa được VFF chấp thuận, cuộc trao đổi giữa đôi bên vì thế vẫn đang tiếp tục đến cuối chiều nay.

Khoa Nguyễn
Theo: Báo VNExpress

“Chết dở” với số liệu thống kê từ doanh nghiệp


Nhiều khả năng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ “lỗi hẹn” với Chính phủ về việc trình đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, dự kiến là vào tháng 11 năm nay. Bởi, dù bản dự thảo đã hoàn thành, nhưng số liệu thống kê lại có phần chưa... chắc chắn.
Theo Phó viện trưởng CIEM Trần Xuân Lịch, toàn bộ số liệu về khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay không có nguồn nào đảm bảo hoàn toàn chính xác.

“Nhưng không chỉ số liệu về doanh nghiệp nhà nước đâu, mà các lĩnh vực khác cũng vậy, đều “nhảy múa, hát ca” hết”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Xuân Bá ví von như vậy tại buổi họp lấy ý kiến các bộ, ngành cho đề án này.

Bởi vì, theo người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án, nếu tình hình các doanh nghiệp nhà nước đúng như số liệu của Tổng cục Thống kê thì “quá tốt, chẳng cần phải cải cách gì nữa”.

Tại phần đánh giá những mặt được, bản dự thảo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận: “Hiệu quả kinh doanh và năng suất lao động của doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được cải thiện”.

Những con số chứng minh rành rọt cho luận điểm trên được phân tích từ số liệu của Tổng cục Thống kê. Cụ thể là số lượng doanh nghiệp thua lỗ giảm, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng vốn kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước tăng đáng kể sau 10 năm sắp xếp; tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu cao hơn gấp 1,35 lần toàn bộ khối doanh nghiệp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước cao gấp khoảng 1,3 lần, giai đoạn 2007-2009; năng suất lao động tính trên doanh thu gấp từ 1,5-1,7 lần doanh nghiệp FDI…

Ngược lại, cũng chính bản đề án nhìn nhận, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước; chi phí vốn để tạo ra doanh thu cao hơn trung bình toàn hệ thống doanh nghiệp; số lỗ cao gấp nhiều lần doanh nghiệp tư nhân; vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực công nghệ cao mờ nhạt; tạo việc làm thấp; năng lực cạnh tranh nhỏ bé…

Về chuyện số liệu thì “khá”, nhưng nhận xét lại gay gắt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nói: “Tôi đọc số liệu thấy ngờ ngợ, chưa ổn lắm!”.

Dẫn chứng loạt số liệu đáng chú ý khác, ông lưu ý rằng, sau 20 năm có Luật Doanh nghiệp, tính đến nay 73,6% số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập vẫn còn hoạt động, nhưng tình hình dường như tệ hơn trong 9 tháng đầu năm nay.

Những ý kiến đồng quan điểm với ông Trung cho rằng, một bản kế hoạch về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước có thể coi là một “tuyên ngôn” cải cách kinh tế của Chính phủ, nên không có chuyện làm cho có. Và, điều hành của Chính phủ nếu được căn cứ trên các con số chưa chuẩn xác thì sẽ như thế nào?

Cho nên, nhiều vị khi tham gia ý kiến với ban soạn thảo lưu ý rằng, số liệu của Tổng cục Thống kê là tổng hợp từ báo cáo của doanh nghiệp gửi lên, tính chính xác của con số chưa được đảm bảo, nên không dùng được cho bản đề án sẽ là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ điều hành.

Chuyện doanh nghiệp tùy theo cơ quan nhận báo cáo mà đưa số liệu cũng được đại diện Ban Đổi mới doanh nghiệp của Bộ Xây dựng nhắc lại như một dẫn chứng cho số liệu thống kê từ doanh nghiệp hiện nay, được xem là có ít giá trị phân tích.

“Ngay cả Bộ Xây dựng lấy số liệu từ doanh nghiệp mình quản lý để phục vụ công việc của Bộ cũng đã khó…”, vị này cho biết.

Đại diện đến từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) chia sẻ khó khăn, rằng ngay cả cơ quan này cũng không dễ tiếp cận thông tin tài chính của doanh nghiệp. “Mỗi năm, chúng tôi đều có yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty báo cáo một lần, nhưng cứ như đi xin”, ông cho hay.

Giải thích về những con số cho thấy hiệu quả doanh nghiệp nhà nước “đột ngột” tốt hơn nhìn nhận lâu nay của xã hội, Phó viện trưởng CIEM Trần Xuân Lịch cho biết, toàn bộ số liệu về khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện nay không có nguồn nào đảm bảo hoàn toàn chính xác, nên “cực chẳng đã” phải sử dụng của Tổng cục Thống kê

Ban soạn thảo cũng biết rằng, doanh nghiệp tư nhân có tình trạng khai thấp lợi nhuận để trốn thuế; khu vực FDI thì có hiện tượng chuyển giá làm giảm hiệu quả kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nhà nước thì không ít trường hợp “thổi phồng” thành tích.

Cũng có những số liệu chính xác hơn, nhưng, tiếp cận được lại chẳng dễ. Chuyện “nói thêm” ở buổi họp rằng, một tập đoàn về năng lượng nọ, mỗi lần họp, khi phát tài liệu đều đóng dấu mật, hết giờ là thu về, nên có ghi chép gì thì cũng chỉ là tham khảo, không thể sử dụng được.

“Báo cáo trên nền tảng thông tin không chính xác là “chết”, phải có thêm thời gian kiểm chứng lại số liệu…”,  đại diện Bộ Tư pháp tham gia ý kiến. Số liệu của kiểm toán, của thanh tra, của Quốc hội… được ông đề nghị tham khảo thêm. Tuy thế, cũng có ý kiến cho rằng kể cả trường hợp này vẫn còn là khó khăn.

Đại diện của Ủy ban Chứng khoán cho biết, ngay cả với thị trường chứng khoán, thông tin vốn được cho là minh bạch và đều qua kiểm toán, nhưng khi có vụ việc vỡ lở, thậm chí kết quả kiểm toán cũng không đúng với thực tế. Hơn nữa, số liệu kiểm toán, hay thanh tra chỉ có tính chất vụ việc, không thể đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp nhà nước.

Trước mắt, như một giải pháp tạm thời cho chuyện “chết dở” vì số liệu thống kê, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CIEM, và đại diện các bộ, ngành đều thống nhất xin lùi lại thời gian trình đề án nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước đến quý 2 năm tới.

Theo Anh Quân
VnEconomy

Thay đổi đăng ký kinh doanh


Tư vấn đổi tên, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, mục tiêu và ngành, nghề kinh doanh, vốn điều lệ hoặc số cổ phần được quyền chào bán, vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp, thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và các vấn đề khác trong nội dung hồ sơ đăng ký kinh. Tư vấn thay đổi nội dung của Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tư vấn cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Trình tự thay đổi đăng ký kinh doanh

Trình tự, thủ tục đăng ký như sau:

1. Cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh và kèm theo bản sao Giấy chứng minh nhân dân của cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình đến cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

2. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh gồm:


a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

b) Ngành, nghề kinh doanh;

c) Số vốn kinh doanh;

d) Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.
Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

Đối với những ngành, nghề phải có vốn pháp định thì kèm theo các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này phải có bản sao hợp lệ văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 42 Nghị định này;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký kinh doanh theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

4. Nếu sau 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Định kỳ vào tuần thứ nhất hàng tháng, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, cơ quan thuế cùng cấp và Sở chuyên ngành.

Luật doanh nghiệp 2005